Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững từ 25 đến 27-9-2015, 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goal) như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới. Những đóng góp của nuôi con bằng sữa mẹ trong các mục tiêu phát triển bền vững được ghi nhận:
Xóa đói: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 2 tuổi hoặc lâu hơn sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng có chất lượng cao từ đó phòng chống đói, thiếu dinh dưỡng cho trẻ em. Nuôi con bằng sữa mẹ đồng nghĩa với bảo đảm an ninh thực phẩm cho trẻ nhỏ.
Giảm nghèo: Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần giảm nghèo. Sữa mẹ là thực phẩm tự nhiên, có chi phí thấp để nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Tất cả mọi gia đình đều có khả năng chi trả cho sữ mẹ để nuôi trẻ nhỏ mà không gây gánh nặng kinh tế cho gia đình so với các phương thức nuôi dưỡng nhân tạo khác.
Sức khỏe tốt: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp nâng cao sức khỏe của cả mẹ và con. Nuôi con bằng sữa mẹ cải thiện có ý nghĩa khả năng sống còn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cải thiện sức khỏe và thể chất cho bà mẹ.
Chất lượng giáo dục: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng trung bình 3 điểm IQ, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng trí tuệ và nhận thức của trẻ do đó tăng kết quả học tập khi lớn lên.
Bình đẳng giới: Nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo sự công bằng khi mỗi đứa trẻ sinh ra đều có được khởi đầu như nhau và tốt nhất. Nuôi con bằng sữa mẹ là quyền của các bà mẹ và họ cần được xã hội hỗ trợ để có thể cho con bú. Được nuôi con bằng sữa mẹ là trải nghiệm hạnh phúc của các bà mẹ khi họ được chủ động trong việc nuôi dưỡng con của mình. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm có thai ngoài ý muốn, giúp phụ nữ có thêm thời gian học tập, làm việc và thăng tiến trong sự nghiệp.
Nước sạch và vệ sinh: Sữa mẹ cung cấp đủ lượng nước mà trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần, thậm chí khi thời tiết nóng.
Năng lượng sạch và giá cả hợp lý: Nuôi con bằng sữa mẹ tiết kiệm rất nhiều năng lượng hơn so với việc sản xuất sữa công thức. Để có được sữa công thức tốn rất nhiều năng lượng, nước, nhiên liệu để nuôi bò và sản xuất sữa.
Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững: Các chính sách giúp bảo vệ nguồn sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc có tác động giúp người phụ nữ gắn bó với cơ sở làm việc, đảm bảo tạo ra sản phẩm xã hội, tiết kiệm ngày giờ công do con ít bị ốm vì đã được bú mẹ.
Sáng tạo, đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng: Nhà trẻ gần nơi làm việc, phòng cho trẻ bú, phòng vắt sữa và tủ lạnh trữ sữa tại cơ sở làm việc cùng thời gian nghỉ cho con bú là sáng tạo, đổi mới cần thiết cùng với quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa mà người sử dụng lao động, gia đình và cộng đồng cần làm để giúp các bà mẹ vượt khó khăn thách thức để nuôi con bằng sữa của chính mình.
Giảm bất bình đẳng: Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ cần được bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ cho tất cả bà mẹ, đặc biệt cho người nghèo và dễ bị tổn thương. Đây là cơ sở để giảm sự mất bình đẳng trong xã hội.
Các thành phố và các cộng đồng bền vững: Với xu hướng bùng nổ của các thành phố lớn và di dân tự do, các bà mẹ và con của họ cần được cảm thấy an toàn và được chấp nhận ở tất cả những nơi công cộng. Phụ nữ đang cho con bú cần được hỗ trợ đặc biệt vào những thời điểm khó khăn như thiên tai, khủng hoảng.
Sử dụng các nguồn tài nguyên có trách nhiệm: Nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp nguồn chất dinh dưỡng lành mạnh, không gây ô nhiễm, không tiêu tốn chất màu của đất, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Hành động bảo vệ khí hậu: Nuôi con bằng sữa mẹ không gây ô nhiễm môi trường, không thải khí carbon nên không làm khí hậu nóng lên như nuôi trẻ bằng sữa công thức.
Các đại dương bền vững: Sản xuất và phân phối sữa công thức công nghiệp dẫn đến rác thải gây ô nhiễm biển và ảnh hưởng đời sống sinh vật biển.
Sử dụng đất bền vững: Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ sinh thái so với nuôi bằng sữa công thức. Sản xuất sữa công thức gắn liền với các nông trại sữa gây xói mòn màu mỡ nguồn đất.
Hòa bình và công lý: Nuôi con bằng sữa mẹ được tôn trọng trong các khung hành động và công ước về quyền con người. Tình yêu thương con người và sự nhân từ sẽ góp phần bảo vệ hòa bình.
Các quan hệ đối tác cho phát triển bền vững: Chiến lược toàn cầu về Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thúc đẩy hợp tác liên ngành và được xây dựng dựa trên các mối quan hệ đối tác khác nhau để hỗ trợ cho sự phát triển thông qua các chương trình và sáng kiến về nuôi con bằng sữa mẹ.
Thông tư 38/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
“Mười điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ” bao gồm:
a) Có bản quy định về việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ;
b) Tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện quy định nuôi con bằng sữa mẹ;
c) Thông tin cho phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ;
d) Giúp các bà mẹ cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn;
đ) Hướng dẫn cho các bà mẹ cách cho trẻ bú và duy trì nguồn sữa mẹ;
e) Không nuôi dưỡng trẻ dưới 6 tháng tuổi bằng thức ăn, nước uống ngoài sữa mẹ, trừ khi có chỉ định của y tế;
g) Thực hiện mẹ và con ở cùng nhau để con gần mẹ suốt 24 giờ trong ngày trong thời gian sau sinh;
h) Khuyến khích cho trẻ được bú theo nhu cầu;
i) Không cho trẻ nhỏ đang bú mẹ sử dụng bình bú hoặc vú ngậm nhân tạo;
k) Khuyến khích thành lập nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu bà mẹ tham gia nhóm sau khi họ ra viện.
|