1. Chu trình sống hay chu trình phát triển của sán lợn
Sán lợn hay được gọi là sán dãi lợn, sán dãi heo có tên khoa học là Taenia solium là con sán hình dẹp có một đầu có các miệng xúc tu để bám vào thành ruột và thân là các đốt sán liên tục dính vào nhau thành một dây.
Người bị nhiễm sán lợn do ăn phải thịt heo gạo không nấu chín (ví dụ nem, giò) và các gạo heo này, là các nang nước chứa một đầu sán lợn, khi vào ruột non của người sẽ phát triển thành con sán có một đầu bám chặt vào ruột người và liên tục lớn và dài ra bằng cách tạo thành các đốt sán liên tiếp nhau. Mỗi đốt sán chứa đầy các trứng được thải ra môi trường bằng đường phân hay đôi khi tự chui ra khỏi hậu môn. Chính vì vậy mà có thể chẩn đoán được một người bị nhiễm sán lợn qua việc tìm thấy các đốt sán trong phân hay các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn của người.
Heo bị nhiễm sán lợn do ăn phải các đốt sán lợn hay trứng của sán lợn mà con người thải ra môi trường qua đường phân. Các đốt sán lợn chứa đầy trứng sau khi bị thải ra môi trường sẽ bị phân hủy và thải ra các trứng sán lợn. Trứng sán lợn sau khi được heo ăn vào sẽ phóng thích ra các ấu trùng và các ấu trùng này chui qua khỏi thành ruột để vào máu và lưu thông đến các cơ quan rồi bị đọng lại tại đây phát triển thành các nang sán lợn. Chẩn đoán heo bị nhiễm sán lợn nhờ tìm thấy được nhiều nang sán lợn mà chúng ta gọi là các hạt gạo có rất nhiều trong thịt heo.
Qua chu trình phát triển của sán lợn chúng ta thấy trong heo, chu trình sống của sán lợn ít khi làm cho heo có được sán lợn trưởng thành trong ruột ngoại trừ một khi heo ăn phải thịt heo gạo. Trong khi đó ở con người thì chu trình của sán lợn lại giúp sán lợn trở thành con trưởng thành bám vào ruột non để liên tục thải các đốt sán lợn vào phân rồi thải ra môi trường. Tuy nhiên ở người, nếu ăn phải rau cải tưới phân người bị nhiễm các trứng sán lợn (do các đốt sán lợn phân hủy thải ra) thì các trứng này khi vào ruột người sẽ phóng thích ra các ấu trùng để chui qua ruột người vào máu rồi hình thành các nang sán lợn tại các cơ quan, thường nhất là ở các cơ dưới da, mắt và não. Ngoài ra cũng có trường hợp đốt sán lợn bò ngược lên bao tử rồi bị dịch vị bao tử phân hủy thải ra các trứng sán lợn xuống lại ruột non nỡ thành các ấu trùng chui qua thành ruột vào máu đến các cơ quan tạo thành nang sán lợn. Nhưng các trường hợp như thế này cực kỳ hiếm xảy ra.
2. Chẩn đoán người nhiễm sán lợn
Chẩn đoán người bị nhiễm sán lợn đa số là qua việc phát hiện được các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn hay được thải ra phân chứ không phải qua xét nghiệm máu tìm kháng thể vì bình thường chu kỳ sống của sán lợn ở người thì không có ấu trùng sán lợn chui qua ruột để vào máu hình thành nang sán lợn. Chỉ trong các trường hợp người mang các nang sán lợn thì mới có sự hình thành các kháng thể đặc hiệu sán lợn mà thôi (mà như đã phân tích ở trên thì các trường hợp nhiễm này lại không phải do ăn thịt heo gạo mà do ăn phải trứng sán lợn có trong rau hay nước bị nhiễm trứng sán lợn được phóng thích từ các đốt sán lợn có ở môi trường).
3 Ý nghĩa của xét nghiệm máu để chẩn đoán nhiễm sán lợn
Xét nghiệm ELISA không phải là xét nghiệm dùng để chẩn đoán người bị nhiễm sán lợn vì bình thường người nhiễm sán lợn chỉ có con sán trưởng thành nằm trong ruột chứ không có ấu trùng chui vào máu hay nang sán tại các cơ quan để có cơ hội tiếp xúc với hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu sán lợn. Xét nghiệm ELISA tìm sán lợn chỉ được cho chỉ định trên các người mà lâm sàng khám thấy có các nang dưới da, trong cơ, hay siêu âm thấy có có các nang nghi nang sán có trong não, mắt, hay các cơ quan. Ngoài ra thử nghiệm ELISA chẩn đoán nhiễm sán lợn nếu sử dụng các kit không chất lượng không dùng được các kháng nguyên đặc hiệu cao cho sán lợn thì sẽ cho rất nhiều trường hợp dương tính giả. Chính vì vậy một kết quả ELISA phải luôn luôn được biện luận cùng với lâm sàng, với tỷ lệ eosinophil trong máu (phải cao hơn 9% hay ít nhất phải 7%).