Ngày 20/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) cho khu vực phía Nam. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị, tham dự có lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm y tế Dự phòng và Trung tâm Truyền thông - GDSK của 33 tỉnh/TP phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: Dịch SXH tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao, ở nước ta hiện đang trong giai đoạn cao điểm của dịch, số ca mắc có xu hướng tăng hàng tuần. Theo các chuyên gia nhận định trong những tháng cuối năm 2017, dự báo dịch SXH diễn biến phức tạp với những lý do: Mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tăng cao dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; Chưa có kinh phí từ Chương trình mục tiêu, nhiều địa phương không cấp kinh phí cho phòng chống SXH; Tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể, người dân còn chủ quan; Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh chưa được sử dụng; Quá trình đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý; Việc triển khai các biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn;…
Để tăng cường các biện pháp quyết liệt nhằm khống chế tỷ lệ mắc và tử vong ở mức thấp nhất, Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận tìm ra biện pháp tối ưu trong triển khai phòng chống dịch SXH bao gồm tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra giám sát, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tập huấn cho cán bộ phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị; Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối các cơ sở, hộ gia đình không hợp tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến tuần 28 năm 2017 cả nước ghi nhận: 49.209 ca SXH, trong đó miền Bắc: 4.509 ca, miền Trung:12.180 ca, khu vực Tây Nguyên: 5.327 ca, đáng lưu ý là ở miền Nam có tới 26.806 ca (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016). Trong 6 tháng cuối năm cần tập trung mọi nguồn lực để chủ động phòng chống dịch, giảm tỷ lệ mắc và giảm tử vong do SXH, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xẩy ra. Đẩy mạnh chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt loăng quăng tại tất cả các xã/phường 2 tuần/lần, tại các ổ dịch 1 tuần/lần. Tập huấn cho cán bộ các tuyến về chẩn đoán, điều trị, phân loại bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Rà soát, đảm bảo nhu cầu về trang thiết bị, dịch truyền để triển khai các biện pháp giảm tử vong do SXH. Đặc biệt cần truyền thông cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về cách phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh SXH, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh. Các bệnh viện cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Hội nghị cũng được nghe Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh báo cáo công tác điều trị SXH và các giải pháp giảm tử vong, Lãnh đạo Viện Paster TP.HCM trình bày các giải pháp kiểm soát SXH khu vực phía Nam, Lãnh đạo Viện Paster Nha Trang tham luận về các giải pháp kiểm soát SXH khu vực Miền Trung.