Năm 2017, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động TTGDSK đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP trong sản xuất, chế biến kinh doanh và tiêu dùng. Những hoạt động truyền thông được thể hiện dưới nhiều hình thức với nội dung phong phú, đa dạng, có hiệu quả cao được truyền tải và đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận và xã hội. Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm ngày càng đi vào khuôn khổ, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thủ tục. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tiến hành thường xuyên, đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Ngọc Diễn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh báo cáo tại Hội nghị nêu rõ một số kết quả đã đạt trong công tác đảm bảo ATTP năm 2017 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế:
- BCĐLNVSATTP tỉnh tích cực thực hiện quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nhà nước (cụ thể là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ Tướng Chính phủ). Chỉ đạo các Huyện/thị xã/thành phố đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đồng thời tuyên truyền về VSATTP với nhiều hình thức (Tỉnh: chỉ đạo Báo chí, truyền hình địa phương và khu vực đưa tin về ATTP, Huyện: phát thanh trên phát thanh huyện địa phương…)
- Từ tuyến tỉnh, huyện đến xã/phường đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về vệ sinh an toàn phẩm, tiến hành thanh kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở theo sự phân cấp quản lý.
- Tỷ lệ cơ sở được kiểm tra: 95,55% (5.623/5.885)
- Tỷ lệ cơ sở được kiểm tra đạt: 87,85% (4.940/5.623)
- Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nhiều thành phần trong xã hội cùng tham gia. Công tác truyền thông giáo dục ý thức chấp hành, thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP không ngừng được tăng cường với sự tham gia hưởng ứng tích cực của chính quyền, các sở ban ngành đoàn thể và nhân dân: Triển khai chiến dịch truyền thông trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong phòng chống dịch bệnh mùa hè trong dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu, truyền thông cơ động trong các lễ hội đạt kết quả tốt.
- Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo chất lượng.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đối với tất cả các TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong việc đăng ký các loại giấy tờ liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
- Ý thức chấp hành các Qui định của pháp luật về VSATTP của các chủ cơ sở được nâng cao, đã chú trọng cải tạo điều kiện về cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo điều kiện về con người vì vậy chất lượng VSATTP ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn như:
- Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo cho người lao động còn thiếu nên việc cấp giấy chứng nhận đủ điều an toàn vệ sinh thực phẩm ở tuyến huyện, thị thành phố đạt tỷ lệ chưa cao.
- Các cơ sở chưa quen với việc giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 nên hạn chế trong việc triển khai.
- Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một số phường, xã, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên; nhất là công tác đảm bảo VSATTP thức ăn đường phố; hoạt động phối hợp kiểm tra còn hạn chế.
- Ý thức trách nhiệm của một bộ phận các nhà sản xuất, người kinh doanh thực phẩm chưa cao; một số người tiêu dùng thường sử dụng thực phẩm theo thói quen. Các biện pháp xử lý vi phạm ở tuyến huyện/thị/thành phố còn hạn chế, chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe.
- Cán bộ làm công tác ATVSTP ở tuyến huyện/thị/thành phố và tuyến xã/phường còn thiếu, phụ cấp thấp.
- Đầu tư kinh phí và các nguồn lực để phục vụ công tác đảm bảo VSATTP còn hạn chế.
Hội nghị đã được nghe tham luận của các đại biểu đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học Công nghệ; Sở Công thương,; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những thành quả đạt được trong công tác đảm bảo ATVSTP trong thời gian qua. Công tác ATVSTP dần chính quy, đi vào thực chất và chiều sâu. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh công tác đảm bảo VSATTP vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong các ngày tết, lễ, hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP. Công tác truyền thông phải chuyển tải đến người dân về ATTP rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành. Đồng chí chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thông và Sở Công thương phát triển, củng cố và kiện toàn mạng lưới từ tuyến tỉnh đến cơ sở, triển khai các biện pháp quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn VSTP từ khâu sản xuất, lưu thông và chế biến, giúp cho người dân an toàn khi sử dụng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội.
Một số hình ảnh Hội nghị:
Ông Nguyễn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ông Nguyễn Ngọc Diễn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh báo cáo tại Hội nghị