Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân số năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022
Ngày cập nhật 17/01/2022

   Vào sáng ngày 13/01/2022, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân số năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo Bộ Y tế; lãnh đạo Tổng cục Dân số-KHHGĐ, đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành. Tại điểm cầu các tỉnh, trong đó Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế mở điểm cầu kết nối trực tuyến tại văn phòng Sở Y tế. Đến tham dự hội nghị trực tuyến có lãnh đạo Sở Y tế, các thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh, đại diện lãnh đạo Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Trường Đại học Y dược Huế; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương

 

   Năm 2021, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025 triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 6 Chương trình, 4 Đề án, 2 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW (khóa XII) của Đảng, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

   Song năm 2021, công tác dân số cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định. Các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng do bị tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, bao gồm cả mạng lưới cộng tác viên dân số. Một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành chậm, không đồng bộ. Kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số, nguồn lực chính của công tác dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

   Năm 2021, toàn ngành chỉ có 2/11 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh là 2,11 con/phụ nữ; chỉ tiêu về tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh là 60,78%, đạt và vượt kế hoạch đề ra). Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng địa phương; đảm bảo hậu cần các phương tiện tránh thai miễn phí, đáp ứng theo nhu cầu của vùng, địa phương. Các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số tiếp tục triển khai hiệu quả, 33/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động của địa phương thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Năm 2021 là năm đầu tiên Tổng cục Dân số-KHHGĐ xây dựng chương trình đào tạo cử nhân công tác xã hội chuyên ngành dân số và phát triển hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm. Thực hiện hoạt động bổ sung chức năng, tính năng và cập nhật thông tin số liệu, cơ sở dữ liệu về dân số và phát triển…

   Bước sang năm 2022, với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Phấn đấu tuổi thọ trung bình 73,8 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh 111,4 bé trai/100 bé gái; tổng tỷ suất sinh: 2,1 con/phụ nữ; Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chuyên môn như điều chỉnh mức sinh (+/-CBR): + 0,1‰ so với năm 2021; tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm 5.199.440 người; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh): 60%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh): 55%; tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 8 % so với năm 2021; tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 10% so với năm 2021,…

 

 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

 

   Tham luận tại hội nghị, các địa phương đã phát biểu, làm rõ những kết quả đạt được trong công tác dân số, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc như việc tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ tại các khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đầu tư nguồn lực cho công tác dân số-KHHGĐ. Công tác nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, công tác tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương,…

   Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Dân số trong năm 2021 đã vượt khó để có được những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động trên toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.Dù bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ngành Dân số đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta duy trì 15 năm liền mức sinh thay thế; cơ bản duy trì được tỉ số giới tính khi sinh là 111,8/100; đạt kết quả tốt trong tầm soát cho bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số. Thứ trưởng nhấn mạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong công tác dân số. Một số tỉnh đã có nghị quyết về mức hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên dân số. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đã chỉ rõ những khó khăn của công tác dân số địa phương trong bối cảnh dịch bệnh, lực lượng dân số ở địa phương cũng trực tiếp tham gia, đóng góp vào công tác chống dịch, bên cạnh đó là những thời điểm giãn cách xã hội đã làm cho việc tiếp cận và thực hiện các dịch vụ KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. ngành Dân số cũng đang đối diện với những khó khăn thách thức: Nguy cơ sinh con thứ ba tăng ở nơi mức sinh cao, nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh cục bộ; việc thích ứng với dân số vàng, không khẩn trương sẽ mất cơ hội tận dụng khi tốc độ già hoá dân số đang gia tăng; chất lượng dân số chưa cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại... Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng dù đứng trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh song công tác dân số năm 2022 sẽ có nhiều thuận lợi khi việc tiêm chủng vaccine được bao phủ, người dân chủ động trong việc phòng chống dịch thì việc tiếp cận với công tác dân số cũng như dịch vụ KHHGĐ sẽ thuận lợi hơn.

   Để công tác dân số đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Tổng cục Dân số-KHHGĐ tập trung hoàn thiện Luật Dân số để trình Quốc hội; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 137/NQ-CP; khẩn trương tham mưu Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Dân số; Phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan bố trí nguồn lực ngân sách chi hàng năm cho 8 đề án đã được phê duyệt; hoàn thiện dự thảo hướng dẫn công tác năm 2022, Bộ Y tế sẽ xem và ban hành sớm để các tỉnh căn cứ thực hiện,... Đối với địa phương, Thứ trưởng Bộ  Y tế đề nghị các Sở Y tế bố trí ngân sách cho công tác dân số địa phương từ nguồn ngân sách được phân bổ để thực hiện; tranh thủ bố trí các nguồn lực khác cho công tác dân số; tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện, xã. Xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, cân đối việc tuyển dụng viên chức cho công tác dân số tại Trung tâm y tế đa chức năng; Quan tâm và có nguồn lực động viên cho cộng tác viên dân số thôn bản. Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu các Sở Y tế đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để mọi người dân hiểu, chuyển nhận thức về dân số và phát triển; thúc đẩy phong trào mỗi gia đình sinh đủ hai con; xử lý nghiêm việc lựa chọn giới tính khi sinh ở các cơ sở y tế. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc chủ động, linh hoạt phát huy hiệu quả, đạt kết quả được giao; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp để cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác dân số ở địa phương.

   

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

 

Trần Thị Lệ Minh-Chi cục DS-KHHGĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trưng dầu dân ý
Bạn đánh giá website của đơn vị chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.373.331
Truy cập hiện tại 544