. Thực phẩm cũng là tác nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính và các căn bệnh nguy hiểm khác từ tiêu chảy cho đến các biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan phủ tạng và có thể dẫn đến ung thư. Theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, 80% nguyên nhân ung thư là do ngoại sinh trong đó các nguy cơ điển hình là hút thuốc, rượu bia và thực phẩm, số ca ung thư tăng nhanh qua từng năm, nguyên nhân chính là thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm và tuổi thọ tăng, trong đó từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%.
Thời gian vừa qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua thanh kiểm tra đã phát hiện ra hàng loạt các sai phạm trong an toàn thực phẩm như: chất tạo nạt salbutamol, thuốc an thần, dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt lợn, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích, chất bảo quản trong rau quả, trồng rau tại nghĩa địa, dùng dầu nhớt bẩn để tưới rau muống, hàng tấn măng bị ngâm tẩm chất “vàng ô” (Auramine/ VAT Yellow) và hóa chất tẩy trắng tại Đà Nẳng, Nghệ An, dùng chất vàng ô trong thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương, nước nhiễm Asen, buôn bán vận chuyển thịt và phủ tạng đã thối, làm giả thực phẩm chức năng, sản xuất mở bẩn, sử dụng hàn the trong chả, formon và chất tẩy trắng trong sản xuất bún, bánh phở, thức ăn đường phố nhiễm vi sinh vật, ngộ độc tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp...Những vi phạm về an toàn thực phẩm nói trên do một bộ phận những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có ý thức trách nhiệm, thiếu hiểu biết, vì lợi nhuận mà làm ăn gian dối, bất chấp cả đạo đức và tính mạng của con người. Thêm vào đó là sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho các vi phạm tồn tại, kiến cho dư luận xã hội rất bức xúc. Chính vì thế mà Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh chua chát thốt lên “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”.
Mặc dù Nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề quản lý về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Theo Luật An toàn thực phẩm, mặc dù việc quản lý an toàn thực phẩm từ liên ngành sang phân chia mảng phụ trách độc lập nhưng hiệu quả quản lý vẫn chưa có hiệu quả nhiều do sự vận hành trong từng ngành cũng như phối hợp giữa các bộ, ngành còn thiếu nhịp nhàng, việc quản lý thực phẩm tại tuyến cơ sở còn bỏ sót, xử lý vi phạm không triệt để, tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn yếu kém, chế tài còn hạn chế trong xử lý sự cố về thực phẩm. Công tác kiểm tra, kiểm soát, hậu kiểm vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt con người lẫn phương tiện. Việc tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm ở nước ta đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, khi có vi phạm về an toàn thực phẩm rất khó xử lý vi phạm.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm và tính cấp bách của nó, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ phải có hành động cụ thể để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Lần đầu tiên các đại biểu kiến nghị đưa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành tiêu chí để phấn đấu thực hiện trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới và đòi hỏi Chính phủ có nhiều biện pháp đủ mạnh hơn. Theo bộ luật Hình sự năm 2015 vừa được ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm đối với các tội danh cao nhất. Cũng theo bộ Luật này, chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ tổ chức hệ thống quản lý, cần thành lập cơ quan quản lý duy nhất, hoạt động độc lập mang tính khách quan; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy đến đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn như tuyên truyền giáo dục, thanh kiểm tra, hậu kiểm. Đối với mỗi người tiêu dùng, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình cần đấu tranh với các vi phạm về an toàn thực phẩm, lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, giảm thiểu tối đa các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và cũng cần chọn lọc những thông tin về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng tránh gây hoang mang.