Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm, có những chiến dịch cao điểm được triển khai và đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn bức xúc nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa triệt để, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản, bơm tạp chất trong thủy sản, mua bán vận chuyển động vật và phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cần tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, từ gốc: bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc BVTV và phân bón hữu cơ, phân bón khác. Tại Thừa Thiên Huế, quy mô chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẽ, chưa có các vùng chuyên canh rau sạch, các lò mỗ gia súc gia cầm chưa quy hoạch đồng bộ, phân tán trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chưa đảm bảo vệ sinh thú y. Do vậy, chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.
Căn cứ kế hoạch 241/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22/3/2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Thừa Thiên Huế lập kế hoạch Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Thời gian triển khai từ 15/04/2015 đến 15/5/2015.
Các hoạt động chính trong Tháng hành động bao gồm:
1. Tổ chức hội nghị hoặc lễ phát động tại các địa phương
Ban chỉ đạo liên ngành của tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch Tháng hành động năm 2016 tại Sở Y tế vào ngày 19/4/2016. Tại các địa phương, đơn vị tùy tình hình thực tế, có thể tổ chức lễ phát động huy động tham gia của cộng đồng hoặc tổ chức hội nghị, xây dựng kế hoạch Tháng hành động bằng những hoạt động thiết thực.
2. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm
- Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2016 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm nói chung và rau, thịt nói riêng. Đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Huy động các cơ quan thông tin đại chúng tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm rau, thịt theo pháp luật. Quản lý kinh doanh rau, thịt trong các chợ đầu mối, cửa hàng chuyên doanh, các siêu thị, chợ bán lẻ, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rau, thịt.
- Phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh Niên, bằng các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức khoa học về VSATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mở rộng diện tích trồng rau an toàn, tăng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, vận chuyển thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.
- Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp các sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn và tôn vinh các cơ sở cung cấp sản phẩm rau, thịt đảm bảo an toàn.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt nói riêng.
- Đặc biệt huy động hệ thống đài truyền thanh huyện, thị xã, hệ thống loa truyền thanh xã phường tham gia tuyên truyền vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm.
3. Thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm
- Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với Ban chỉ đạo VSATTP của địa phương, quy định trách nhiệm của chính quyền cấp huyện/thị xã, xã/phường trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau, thịt trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau, thịt việc thực hiện các cam kết bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu UBND các cấp thành lập Đoàn thanh kiểm tra liên ngành tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống phụ vụ Festival Huế trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng các lò mỗ gia súc gia cầm tập trung, các vùng trồng rau, chợ đầu mối...