Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Hội nghị Tổng kết công tác An toàn thực phẩm năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022
Ngày cập nhật 20/01/2022

Chiều 19 tháng 01 năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác  ATTP năm 2021 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022.

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn tiến phức tạp, Hội nghị được tổ chức bằng hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến tại 10 điểm cầu truyền hình, gồm điểm cầu tuyến tỉnh tại Sở Y tế và 9 điểm cầu tại 9 huyện/thị xã/thành phố Huế.

Ông Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐLNATVSTP tỉnh

Hội nghị do Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐLNVSATTP tỉnh chủ trì hội nghị, tham dự có các thành viên BCĐLN VSATTP tỉnh, các thành viên tổ giúp việc BCĐ, Đại diện lãnh đạo:  Sở Y tế; Sở Nông nghiệp-PTNT; Sở Công thương; Công an tỉnh; Sở Thông tin- truyền thông; Sở Giáo dục - Đào tạo; Sở Văn hóa Thể thao; Sở Khoa học Công nghệ; Sở Du lịch; Sở Tài Chính; Cục Quản lý thị trường; Lãnh đạo các phòng ban Sở Y tế, Đại diện lãnh đạo các tổ chức cấp tỉnh: Đoàn Thanh niên CSHCM; Hội chữ thập đỏ; Hội Phụ nữ, Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản; Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật; Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường – Sở Công thương; Chi cục đo lường chất lượng; Phòng Cảnh sát PC tội phạm Môi trường; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc- mỹ phẩm- thực phẩm; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Về dự và đưa tin Hội nghị còn có các phóng viên Đài VTV8, TRT, Báo Thừa Thiên Huế, Cổng thông tin điện tử tỉnh, thường trú báo nhân dân, đại diện các báo thường trú tại Huế…

Tại các điểm cầu UBND các huyện/thị xã/thành phố Huế:

Tham dự Hội nghị có

+ Đại diện BCĐLNVSATTP các huyện, thị, thành phố

+ Đại diện Lãnh đạo các Trung tâm y tế, Phòng Y tế các huyện, thị, thành phố

+ Đại diện Lãnh đạo Khoa, Liên Khoa ATTP và chuyên trách làm công tác VSATTP các huyện, thị, thành phố.

Năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài khiến tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng mạnh mẽ, các cơ sở sản xuất thực phẩm đa số thu hẹp quy mô sản xuất, hạn chế đầu tư, một số cơ sở nghỉ hoạt động nên công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi để phù hợp trong tình hình mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhà hàng khách sạn.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của các Bộ chuyên ngành; Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan như Ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Giáo dục - Đào tạo, Công an, Quản lý thị trường, các đơn vị phát thanh truyền hình, các tổ chức chính trị xã hội như Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…trong việc tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, trong thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố thực phẩm không an toàn;

 Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, không phát hiện các trường hợp sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi trồng trọt, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định, hoạt động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản dần đi vào ổn định, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Một số mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được hình thành, làm cơ sở để nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Vai trò của các ngành tham mưu cho Ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc đề xuất nhiều giải pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm có nhiều đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, dễ tiếp cận.

Ý thức chấp hành các qui định của về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp được nâng cao, đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, điều kiện về con người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc. Công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các lễ hội, hội nghị, bữa ăn đông người, khu cách ly tập trung phòng chống dịch được thực hiện tốt.

Các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm được cắt giảm theo tinh thần cải cách của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý,  tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như:

- Hoạt động của một số Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã, phường, thị trấn chưa thực sự hiệu quả; chưa quan tâm và chủ động trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Chưa tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, vẫn có tâm lý chờ cấp trên, thiếu chủ động. 

- Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, tự phát chiếm số lượng lớn, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, các điều kiện đảm bảo cho người lao động còn thiếu, số cơ sở quản lý biến động liên tục nên các cơ quan quản lý khó nắm bắt kịp thời. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid -19, nên số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động với số lượng nhiều, thu nhỏ quy mô hoạt động, nên tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giảm.

- Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được tăng cường và duy trì, tuy nhiên chất lượng của các cuộc kiểm tra ở tuyến cơ sở chưa cao, chưa thật sự nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; sự phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn ở một số địa phương chưa chặt chẽ nên còn bỏ sót cơ sở trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ như sản xuất bún, rượu, bánh các loại, mắm, thức ăn nhanh, thức ăn đường phố, trà sữa…

  - Công tác kiểm tra vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cẩm còn gặp nhiều khó khăn: tư thương đối phó, nguồn tự sản tự tiêu, điều kiện vệ sinh thú y ở các lò giết mổ, các chợ dân sinh còn bất cập. Vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ vẫn chưa đảm bảo vệ sinh thú y. Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ còn khó khăn, bất cập, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, còn thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

  - Hình thức xử phạt của các cơ quan quản lý nhà nước còn chủ yếu tập trung vào nhắc nhở, nhất là ở cấp xã, chưa xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm để đảm bảo tính răn đe cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong năm 2021, nhiều  huyện, thị xã, thành phố và tuyến xã phường không có xử lý vi hành chính về an toàn thực phẩm.Bên cạnh những mặt đạt được, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định như:

   - Lý do khách quan do số lượng cán bộ chuyên trách từng lĩnh vực hầu như không có, đa số làm việc kiêm nhiệm hoặc tổng hợp chung nhiều lĩnh vực; địa bàn quản lý tương đối rộng nên khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.

        Về lâu dài, công tác đảm bảo ATTP cần được quan tâm hơn nữa về nhân lực, vật lực…, duy trì thường xuyên các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm về các biện pháp sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu để Thừa Thiên Huế trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về du lịch và ẩm thực đối với tất cả các khách du lịch quốc tế, nội địa cũng nói chung như tất cả cán bộ và nhân dân trên đại bàn tỉnh nhà chúng ta.


 

 

Lê Viết Thận - Chi cục ATVSSTP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trưng dầu dân ý
Bạn đánh giá website của đơn vị chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.045.159
Truy cập hiện tại 12